Friday 7 March 2008

Thăm viện bảo tàng Phụ nữ Việt Nam

Hôm nay cơ quan mình tổ chức đi thăm Bảo tàng phụ nữ Việt Nam, nằm tại 36 phố Lý Thường Kiệt, nhân dịp 8-3. Khuôn viên bảo tàng không lớn, nếu không muốn nói là khá nhỏ hẹp. Thời điểm này đang diễn ra cuộc triển lãm về cuộc đời và sự nghiệp của bà Nguyễn Thị Thập, chủ tịch Liên hiệp phụ nữ Việt Nam thời kỳ cách mạng và là người giữ cương vị này lâu nhất. Thật lạ là mình tìm khắp phòng trưng bày cũng không có một thông tin nào về ngày sinh và ngày mất của bà, trong khi rất nhiều những đoạn viết kiểu như: bà sinh ra trong một gia đình..., bà tham gia hội này năm...., được bầu làm.... năm.... Ngay lúc đó, mình tự hỏi: bà ấy hiện giờ còn sống hay đã mất. Nhưng theo suy luận thì một người còn sống chắc là không thể được giới thiệu trong bảo tàng và càng không có vinh dự được đặt tên đường (trừ chủ tịch Hồ Chí Minh). Sau phải hỏi mới biết bà sinh năm 1908, mất năm 1996.


Ngay bên tay trái , cạnh cửa vào phòng trưng bày có một bức ảnh khá sinh động với tên gọi "The war is over". Mặc dù ý nghĩa mà nó chuyển tải đến người xem khá rõ ràng nhưng mình vẫn thấy nó hơi ngộ nghĩnh làm sao ấy.



img

Có một vài câu chuyện thú vị mình nghe được qua lời kể của của chị thuyết minh bảo tàng.


Chúng ta đã biết câu nói rất quen thuộc từ thời kháng chiến chống Pháp: "giặc đến nhà đàn bà cũng đánh". Dưới đây là một số hiện vật minh chứng



img

Chiếc đòn gánh bên trái là của một nữ du kích sử dụng để đánh bốt của quân Pháp năm 1953. Chiếc mã tấu, nằm ở vị trí thứ 2 từ bên phải sang, là của anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Thị Chiên sử dụng để bắt một sĩ quan Pháp (có súng ống hẳn hoi) năm 1951. Thế mới biết chị em chúng ta khỏe như thế nào img


Không chỉ khỏe, phụ nữ Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Pháp còn rất thông minh. Cách mà chị em ra ám hiệu cho bộ đội quả thật là chả có thằng địch nào nghĩ đến. Chỉ bằng chày và cối dưới đây nhé.


img

Chày giã nhịp một là không có địch, giã nhịp đôi có địch trong làng.


Ngắm đến bộ trang phục này, ban đầu không để ý, mình tưởng là một loại trang phục truyền thống của phụ nữ dân tộc. Hóa ra đấy là bộ quần áo của một nữ giao liên đóng giả người điên để làm nhiệm vụ. Theo lời kể của chị thuyết minh, người nữ giao liên ấy đã nhét được rất nhiều tài liệu trong bộ quần áo này mà không bị phát hiện ra. Mình nhìn mãi mà chưa nghĩ ra nhét vào đâu là hợp lý nhất img

img

Có chị còn đóng giả làm người bán chổi. Nếu ai nói đúng ám hiệu sẽ được đưa cho chiếc chổi kia, trong đó có giấu tài liệu. Chiếc áo và mấy cái khăn, lại còn dải thắt ngang bụng buộc hờ nữa chứ, trông điệu đà hơn khối mẫu thiết kế thời trang bây giờ. Khéo mình cũng phải đi may một chiếc img


img

Dù gì thì khi nhắc đến phụ nữ cũng không thể không nhắc đến tình yêu được

img

Chiếc tẩu này là của nữ anh hùng Kan Lịch được người yêu tặng. Theo tập tục của người dân tộc Pa Koh, khi chàng trai đem lòng yêu cô gái, anh ta sẽ tặng chiếc tẩu của mình cho ngườu yêu. Cô gái nhận chiếc tẩu tức là chấp nhận tình yêu của chàng trai. Nếu không yêu, ngay cả khi đã nhận tẩu thuốc rồi, cô gái phải tìm mọi cách để trả lại cho chàng trai ấy.


Viện bảo tàng còn một số hiện vật nữa nhưng mình không nhớ hết được.

No comments:

Post a Comment