Sunday 24 November 2013

Chỉ là vì em nhớ anh thôi

Chỉ là vì em nhớ anh thôi
Chuyện vặt vãnh đâu có gì đáng nói
Lời thoảng qua, anh đừng bối rối
Chỉ là vì em nhớ anh thôi

Trăm mối bận lòng mà thời gian vụt trôi
Anh lo chưa hết, chuyện nhớ nhung là xa xỉ
Bởi yêu anh em thành cả nghĩ
Chẳng cần nhau nên mới lặng im

Đàn ông giấu nỗi nhớ sâu nhất trái tim
Người ta nói thế chứ em nào có biết
Sao hỏa, sao kim hai phương trời khác biệt
Hiểu được nhau chắc đến cuối cuộc đời

Cho nên vậy thôi, anh chẳng cần nói thành lời
"Nhớ" và "yêu" của đàn ông nhiều khi tương đối
Và em cũng sẽ thôi không hỏi:
"Bây giờ anh còn yêu em không?"

Đến với em anh đã rất thật lòng
Nhưng sống vẫn phải là cho và nhận
Nói thế không hẳn là em giận
Chỉ là vì em nhớ anh thôi.

Tuesday 22 May 2012

Tôi là ai? (2) Ích kỷ

Sáng sớm nay đi làm, trên đường đã thấy ngột ngạt, thầm nghĩ "Chiều mà mưa thì hay nhỉ!". Cái ý nghĩ ấy bị quên bẵng đi ngay cả khi ngồi trong cơ quan nhìn ra thấy trời mưa. Thực ra cũng chỉ có vài giây để tiếp nhận thông tin đó. Chi khi trên đường về, mưa hắt tới tấp vào mặt mới bất chợt nhớ ra cũng tầm quãng đường này lúc sáng mình đã muốn như thế.

Về đến nhà thì ướt sạch mặc dù lúc mưa rất to thì mình cách nhà chừng chưa đến 1km. Tắm rửa rồi một mình ngồi vào mâm cơm vừa trệu trạo nhai vừa nghĩ về một ngày đã qua. Mưa vẫn không ngớt, nước đã tràn qua cửa ngập vào gian nhà để xe. Mình vẫn trệu trạo nhai những miếng cơm của bát cơm đầu tiên. Bố mẹ bắt đầu lục tục nhấc vài món đồ đang đặt dưới đất trong phòng khách lên vị trí cao hơn, chuẩn bị "đón" nước vào trong nhà. Mình thôi nghĩ về những luận cứ để phân tích ai đúng ai sai và bắt đầu nghĩ về cơn mưa, nghĩ về mong muốn ban sáng và tự hỏi mong muốn đó có đi quá đà không.

Bố mẹ đã đẩy mấy cái giẻ lau sẵn vào góc cửa, nơi mà đầu tiên nước có thể tràn vào. Mình bắt đầu thấy mình đã có điều gì đó chưa ổn. Mình không cảm nhận được mưa có đang ngớt hay không. Nước bắt đầu chảy vào nhà. Ý nghĩ lại không về cơn mưa nữa. Mình tin rằng hôm nay mình đã làm nhiều việc chưa đúng và nếu được làm lại, mình sẽ không làm như thế. Một hớp nước cho miếng cơm cuối cùng của bát cơm đầu tiên trôi xuống. Mình xếp mâm rồi đứng dậy. Ngoài gian nhà để xe, mẹ đang tát nước ra cửa. Mình xỏ ủng và nói mẹ vào nhà. Đường đã rút nước, chỉ có gian nhà để xe bị trũng nên nước không tự thoát được. Mình tát nước như một cái máy, đầu rỗng tuếch, không ý nghĩ về những việc ban sáng, không nghĩ đến mưa, không nghĩ lúc nào sẽ xong. Cho đến khi mẹ bảo: "Thế thôi con ạ" thì mình dừng lại, thấy nhà để xe cũng đã hết nước.

Mẹ bỏ đồ về chỗ cũ. Bố nói: "Thôi để bố rửa bát". Mình "vâng" rồi đi rửa mặt.

Xem phim, thấy rõ tình yêu và sự hy sinh, thấy phụ nữ thật ngu ngốc khi họ nghĩ họ đang ở đường cùng, thấy những người thân hiểu nhau không cần qua việc làm mà chỉ qua ánh mắt, thấy bạn bè chia sẻ với nhau không chỉ bằng lời nói mà còn bằng hành động, thấy con người đối xử với nhau thật tử tế. Bỗng thấy mình quá nóng nảy, ích kỷ, nông nổi.

Friday 11 May 2012

Tôi là ai? (1) Giá trị của một con người


Mấy hôm trước đi học, cô giáo kể cho cả lớp nghe một câu chuyện:

“Có một chàng trai và một cô gái yêu nhau say đắm. Nhưng cả 2 người rất nghèo, nghèo đến nỗi không thể cưới nhau được. Chàng trai đi đến quyết định chia tay cô gái để đi xa lập nghiệp.

Sau một thời gian rời khỏi quê hương, chàng trai bị ốm nặng và nghĩ rằng mình không thể qua khỏi. Chàng trai có một mong muốn cuối cùng là gặp lại người yêu cũ. Cuối cùng thì cô gái cũng biết được mong muốn của chàng trai và quyết định đi tìm gặp người mà cô vẫn yêu thương mặc dù đường xá xa xôi cách trở.

Trên đường đi, cô gặp một tên cướp. Tên cướp định giết cô gái nhưng cô đã nài nỉ van xin và cuối cùng tên cướp cũng mủi lòng tha mạng cho cô đi tiếp. Khi gần đến được thành phố nơi chàng trai đang ở, cô gái lại gặp một con sông rộng. Đúng hôm đó thì trời mưa to gió lớn, nước sông lại dâng cao, không một người lái đò nào nhận lời chở cô qua sông. Vì lo sợ không còn kịp gặp người yêu lần cuối, cô gái nài nỉ những người làm nghề lái đò ở khu vực này và cuối cùng có 1 người nhận lời đưa cô qua sông với một điều kiện: sau khi xong việc, cô phải quay trở về và lấy anh ta”.

Câu chuyện dừng lại ở đó. Cô giáo đề nghị không bình luận về nội dung câu chuyện mà mọi người hãy trả lời câu hỏi sau: Nếu có tổng số 5 điểm gọi là điểm “giá trị” để chia cho 4 nhân vật: chàng trai, cô gái, tên cướp và người lái đò thì các anh chị sẽ cho điểm như thế nào. Nên nhớ là tất cả 4 người chỉ có tổng số 5 điểm giá trị mà thôi.

Cả lớp nhau nhao lên cho cô gái 2 điểm và tên cướp 3 điểm. Họ nói rằng cho cô gái 2 điểm vì cô có sự chung thủy, biết vượt mọi khó khăn để đến với người yêu, còn tên cướp thật là nhân đạo, đã tha cô gái, đó là hành động rất đáng được ngợi khen.

Cô giáo cười và bảo: “Câu hỏi này không có đáp án. Tuy nhiên, tôi chỉ muốn nói rằng: tên cướp bản chất là cướp, cho dù anh ta có thể lúc nào đó có có hành động nhân đạo thì vẫn là một tên cướp. Nhiều khi người ta lấy một hiện tượng để đánh giá bản chất, điều đó có thể dẫn đến việc đưa ra giá trị sai cho một đối tượng.”

Với 5 điểm giá trị, tôi cho chàng trai 1 điểm, đó là điểm bản lĩnh. Việc anh ta muốn gặp lại người yêu cũ trước khi chết chỉ là một mong muốn bản năng mà bất cứ con người nào cũng có thể có. Anh lái đò được 1 điểm. Điểm này dành cho công việc lái đò qua sông lớn của anh ta. Đó là một công việc nguy hiểm mà không phải ai cũng dám chọn. Dù anh ta làm việc đó vì tiền hay do lòng dũng cảm thực sự thì cũng đáng ngợi khen bởi “ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai?”. 3 điểm còn lại dành cho cô gái bởi cô có bản lĩnh không thua kém chàng trai, có lòng dũng cảm không thua kém người lái đò và cnf có cả lòng chung thủy và dám chấp nhận hy sinh cho tình yêu.

Mặc dù vậy, tôi lại không biết cuộc sống hiện thực này có được bao nhiêu điểm giá trị và tôi được bao nhiêu điểm trong số đó!

Wednesday 29 April 2009

Một trăm hai mươi nghìn và một chuyện chép ở bệnh viện

Một trăm hai mươi nghìn
Mình đang cần một cái giấy khám sức khỏe. Thấy bảo là nộp 150k thì đến cuối tuần tới sẽ có giấy chứng nhận nghiêm chỉnh và không mất công sức lẫn thời gian. Nghĩ bỏ ra 150k cũng xót nhưng tình hình hạn nộp đến nơi rồi, tuần sau đi công tác cả tuần, khéo cũng đành nghiến răng vậy. Thằng cu em đồng nghiệp ngồi bên cạnh sáng nay đưa tờ giấy khám ra ve vẩy khoe, bảo em làm mất có 30 nghìn, chừng 30 - 45 phút nhưng cách đây 6 tháng rồi, hôm nay ông anh mang tờ giấy cũ, nộp 30 nghìn nữa và bác sĩ họ chép lại cho.

Mình nhẩm tính, Thứ 7 tuần sau phải nộp. Cả tuần sau đi công tác. 4 ngày nghỉ lễ 30/4 không ai làm việc. Hôm nay là 29 rồi, giờ đã là cuối buổi sáng. Còn mỗi chiều nay. Thế là quyết định xin phép sếp nghỉ một lúc buổi chiều đi lấy giấy khám sức khỏe. Nếu xuôi chèo mát mái thì mất 1 tiếng rưỡi và 30k, vị chi tiết kiệm được 120k. Mọi người trong cơ quan cũng khuyên nên đi đến những chỗ ấy cho khôn ra. Được lợi nhiều thứ như vậy tội gì không đi.

Và dưới đây là chuyện chép ở bệnh viện...

Đầu tiên là tiền đâu
Tờ giấy khám có khoảng 10 mục cần điền, tức là phải đi qua khoảng 10 phòng. Phòng đầu tiên là phòng Tài vụ, đương nhiên đầu tiên phải là tiền đâu. Chờ nộp tiền là tốn thời gian nhất vì mấy cái lỗ thò vào đưa tiền cho các chị thì ít và bé còn người thì nhung nhúc. Mình quẳng tờ giấy khám vào ô xếp hàng rồi đứng ra cửa chờ đợi. Thật tuyệt là cái cửa trông ra sân tennis của bệnh viện, rất thoáng đãng và thơ mộng. Phòng chờ ngột ngạt bao nhiêu thì chỗ mình đứng dễ chịu bấy nhiêu. Đứng chờ một hồi và luôn trong trạng thái dỏng tai lên nghe thì thấy có ai đó hình như gọi tên mình lí nhí. Để chắc ăn, mình len vào ngó, thấy có mấy tờ giấy khám trước mặt chị thu ngân đoán là vừa gọi qua lượt nhưng cũng phải cố chờ thêm ít phút để được gọi lại lượt 2 mới dám chen vào nộp.

Mặc cả chiều cao
Phòng tiếp theo là đo chiều cao cân nặng. Lúc mang tờ giấy đến, chị bác sĩ bảo viết lại vì họ tên phải viết hoa có dấu. Mua 2000 một tờ xong thì chị ấy bảo đứng bên ngoài mà viết. Thực ra thì bên ngoài cũng chỉ là cái ô cửa sổ lắp kính ngay cạnh cửa ra vào và cũng có một cái lỗ để đưa giấy như phòng tài vụ, đối diện chỗ chị ấy ngồi. Lục tục cầm giấy vòng ra phía trước mặt chị thì một anh bác sĩ trẻ đi vào. Đoán chừng kém mình khoảng 2,3 tuổi. Anh này thỏ thẻ xin hút thuốc nhờ trong phòng nhưng chị bác sĩ không chịu, nói thế nào cũng không chịu. Anh bác sĩ đập một cái vào vai chị bác sĩ. Chị bác sĩ cười rúc rích: thế thì đập thêm mấy cái nữa đi, chị đang đau vai. Mình thì vẫn hí húi viết và nghe thấy mấy tiếng bộp bộp nhẹ nhẹ nữa. Chị bác sĩ cười sảng khoái. Khoảng cách theo đường chim bay từ chỗ mình tới chỗ 2 anh chị không quá 50cm nên dù không muốn cũng vẫn nhận thấy được anh bác sĩ chuyển tay từ vai xuống đùi, bảo: thế đập vào đây nhé. Không nghe thấy tiếng bộp bộp nữa nhưng vẫn tiếng chị bác sĩ cười: thằng mất dạy, láo toét quá. Tiếng anh bác sĩ cười nhạt. Chị bác sĩ bảo thôi nhưng vẫn ngồi im không phản ứng gì và vẫn cười chứng tỏ cái tay kia vẫn chưa rời vị trí. Mình quẳng bút xuống, đi vào bên trong, coi như mù và điếc với những gì vừa xảy ra. Chìa tờ giấy ra trước mặt chị, chị bảo bỏ giầy rồi leo lên cân. Bốn tám cân, cao bao nhiêu? Em cao một mét sáu mốt. Chị nhìn một lượt từ đầu xuống chân bảo: đứng yên để đo lại. Theo cân này chỉ được 1m59 thôi. Mình cười: chị ghi bao nhiêu cũng được. Anh bác sĩ lúc này đã đứng bên cạnh chị bác sĩ kể từ lúc mình vào giờ mới lên tiếng: thôi cứ ghi 1m60. Xong, mình nhận lại tờ giấy, anh bác sĩ buông một câu: 79 mà trẻ thế nhỉ. Mình lại cười: em cảm ơn. Câu đó cho cả 2 anh chị, ai thích thì nhận. Mình hồ hởi đi ra sau khi vượt qua chặng thứ nhất

Tai có vấn đề
Theo chỉ dẫn in trên tờ hóa đơn thu phí, mình đến phòng số 3 để khám răng. Chị bác sỹ đang lấy cao răng cho một bệnh nhân. Mình bước một chân vào bên trong thì một giọng nói bùng nhùng qua chiếc khẩu trang cất lên: Bỏ giầy bên ngoài. Mình nhìn xuống đất rồi rụt vội chân lại. Đúng là bệnh nhân cũng bỏ giầy bên ngoài. Mình tháo giầy bước vào được nửa bước thì vẫn giọng nói bùng nhùng ấy cất lên: Bỏ giầy bên ngoài. Ơ, rõ ràng mình bỏ giầy bên ngoài rồi mà. Mạnh dạn bước thêm bước nữa thì câu nói đó lặp lại và hình như chị bác sĩ trợn mắt lên bực bội. Một chị ngồi chờ bên ngoài nói vọng vào: xếp giấy chờ bên ngoài. Ra thế, mình quay ra, thả tờ giấy vào hộp và nghe thấy tiếng bùng nhùng kia nhưng lần này âm tiết rất rõ: tai có vấn đề hay sao ấy nhỉ?

Hú vía, may mà là phòng khám răng chứ mà phòng khám tai thì toi.

Yêu chị y tá lắm
Trong tất cả các phòng thì qua phòng này là mình quý nhất. Chính là phòng khám tai - mũi - họng. Mình đưa giấy cho chị y tá, không phải khám mất một phút nào, chị ấy viết viết vào mấy chữ loằng ngoằng rồi cười rất dịu dàng: em chờ chút xíu nhé, bác sĩ đang dở việc, sẽ quay lại ký cho em ngay, cái này chị không ký được. Mình vâng ngoan ngoãn và ngồi chờ. Chừng 3 phút, thấy chị ý tá cầm tờ giấy đi ra. Chứng 1 phút sau chị ấy quay lại đưa cho mình tờ giấy khám và bảo: Của em đây. Mình cảm ơn rối rít và thấy chị tốt bụng ghê.

Giấy khám sức khỏe đi công chứng được không chị?
Sau khi qua các phòng, và điền đầy đủ các mục trong tờ giấy, mình tới phòng cuối cùng để xin chữ ký trưởng khoa và đóng dấu. Phòng này phải chờ lâu nhất. Chị nhân viên phòng hành chính hay đi vắng, chị cầm dấu cũng hay đi vắng và bác sĩ trưởng khoa cũng thường bận, tổng hợp cả 3 yếu tố này lại thì khâu cuối cùng luôn tốn thời gian nhiều hơn các khâu khác. Khi mình xếp giấy vào phòng và quay ra chờ thì có 1 em gái trẻ măng ngồi đó chờ được 1 lúc rồi. Đang ngồi mơ màng thì em ấy quay ra bắt chuyện
- Chị cũng đi lấy giấy khám sức khỏe à?
- Ừ
- Chắc chị làm giấy khám để chuyển công ty chứ em nhìn chị chắc cũng đi làm lâu rồi
- À ừ chị đi làm cũng lâu rồi (trả lời cho qua chuyện)
- Vâng, em làm giấy khám để xin việc (ra thế, em ấy nghĩ là ai làm giấy khám sức khỏe đều là để đi xin việc)
- Ừ, giấy khám sức khỏe còn dùng nhiều việc khác nữa em ạ. nhiều thủ tục yêu cầu chứ không chỉ xin việc đâu, ví dụ làm sổ bảo hiểm xã hội chẳng hạn (thấy có chị cầm sổ đó trên tay đứng bên cạnh nên nói bừa, chả biết có đúng không)
- Vâng
- Chị ơi, em làm có một tờ thôi nhưng em đi xin việc nhiều nơi thì làm thế nào ạ?
- Ối, xin việc nhiều nơi sao em làm có một tờ? Mỗi nơi phải 1 tờ chứ
- Em định làm một tờ rồi đi công chứng
- Vậy à? Chị cũng không rõ là họ có công chứng cho giấy khám sức khỏe không.
- Thế hả chị, em cũng chả biết. Chị em cũng bảo là đi làm mấy tờ một thể nhưng em cứ nghĩ là công chứng được.
- Lần sau em nhớ làm một thể nhé, đằng nào cũng mất công chầu chực ở đây, 10 nghìn 1 tờ, làm cả chục tờ đi xin việc cho thoải mái

(Đoạn đối thoại về vấn đề xin việc không nhớ được....)

Câu chuyện phải dừng lại khi chị nhân viên phòng hành chính đọc tên từng người tới nhận giấy khám. Mình nhìn đồng hồ: 4hkém 15. Tổng cộng hết đúng 1 tiếng tính từ thời điểm bước chân vào bệnh viện.

Thôi thế là thành công rực rỡ với 30k bỏ ra và tờ giấy chứng nhận sức khỏe nhận về. Tiết kiệm triệt để được 120k, lại giảm cơ hội gây tệ nạn cho ngành y tế.


Friday 17 April 2009

Blogger - Sự lựa chọn hợp lý để thay đổi

Giờ đây, việc Y!360 đóng cửa đã thành sự thật khi đại diện của Yahoo tuyên bố sẽ ngừng cung cấp dịch vụ này trên toàn cầu. Mình đã quyết định chọn Blogger của Google làm blog chính thức của mình vì những lý do sau đây:
  • Có công cụ hỗ trợ chuyển đổi toàn bộ dữ liệu, kể cả đường dẫn ảnh và comment (trừ page comment) từ Y!360 và việc này mình đã thực hiện thành công (nhờ người làm hộ :D)
  • Có thể thay đổi hình thức (giao diện) và một số tính năng để có được một blog hầu như không khác so với Y!360
  • Hơn thế nữa, mình có thể thay đổi những thuộc tính và hình thức của blog theo ý mình muốn chứ không chỉ tùy chọn theo những gì mà Y!360 đặt sẵn, đặc điểm này giống với ưu điểm của 360plus và một số dịch vụ blog khác là cho phép thêm bớt, thay đổi vị trí các thành phần (components) trên blog chứ không phải thuần túy là hiện hay ẩn thông tin. Có thể tự tạo banner của riêng mình (thiết kế bên ngoài) rồi chèn vào, trông rất chuyên nghiệp.
  • Việc soạn thảo bài viết trên Blogger là rất trực quan và thân thiện với chế độ chèn hình ảnh và video trực tiếp thay vì bắt buộc sử dụng code HTML như ở Y!360
  • Có thể tạo nhiều blog với cùng 1 tài khoản và cho phép đặt quyền ai được vào blog nào. Điều này rất hữu ích với ai có ý định mở 1 blog công khai nhưng lại có vài post (tương đương với entry của Y!360) muốn nói xấu người khác, khi ấy các post có thể được đưa vào blog thứ 2 và cho phép những người được chỉ định xem. Việc chuyển đổi và quản trị 2 hay nhiều blog với cùng 1 tài khoản tương đối thuận tiện.
  • Có thể ủy quyền cho một tài khoản khác gửi bài trên blog của mình.
  • Cộng đồng của Google rất lớn và đây là một nhà cung cấp dịch vụ có uy tín nên việc phát triển rộng rãi dịch vụ Blogger là rất cao.
  • Những tính năng được liệt kê của Blogger
Tất nhiên không có gì hoàn hảo cả nên Blogger cũng có vài nhược điểm (theo mình) như sau:
  • Để chuyển đổi dữ liệu phải sử dụng công cụ trung gian (ví dụ phải chuyển từ Y360 sang Wordpress rồi chuyển từ Wordpress sang Blogger)
  • Màn hình quản trị mặc định không được đẹp mắt lắm (mình chưa có thời gian tìm hiểu xem có thay đổi được không nhưng đối với mình điều này không quan trọng)
  • Các mẫu (theme) mặc định thua xa các mẫu của Y!360 và với những người cầu kỳ về hình thức thì việc sử dụng mặc định là khó chấp nhận.
  • Việc sử dụng code HTML để thay đổi giao diện blog tương đối phức tạp và sẽ rất khó khăn cho những người không biết nhiều về IT. Việc không có page view dựng sẵn, không có quick comment dựng sẵn và phải thay đổi rất nhiều các công cụ sẵn có (thêm, bớt, sửa, dùng mẹo) để hiển thị các thông tin tương tự như Y!360 sẽ khiến không ít người nản
  • Không có các icon trạng thái đặc trưng của Yahoo và cũng không có icon thay thế
Thực sự, với mình, những nhược điểm trên hầu như không có ý nghĩa nhưng với đại đa số, đó là điều đáng bàn. Nếu bạn không nhất thiết phải có một bản sao của Y!360 về hình thức, có thể từ bỏ một vài tính năng không quá quan trọng thì bạn nên chọn Blogger vì nó có rất nhiều ưu điểm mà mình đã phân tích ở trên. Hoặc nếu bạn không rành về IT nhưng bạn là người kiên nhẫn, bạn cũng có thể làm được nhiều việc để dựng cho mình một blog ưng ý với Blogger. Còn nếu bạn ngại thay đổi thì có thể "an phận" với 360plus, mảnh đất mà Yahoo khoanh sẵn để "đền bù" cho sự "giải tỏa" này

Dù sao sự lựa chọn vẫn là ở bạn. Nếu có điều kiện, mình sẽ tiếp tục nêu thêm một vài dịch vụ blog khác và phân tích ưu nhược điểm của chúng.