Sunday 2 November 2008

Không có gì đổi thay, hai mươi tư năm, Hà Nội ơi, vẫn thế !!!

Đọc tiêu đề của một độc giả báo VNExpress: "Sau 24 năm, Hà Nội vẫn như thế", trong bữa cơm, nghe bố nhắc về trận lụt năm 1984, mình bỗng thấy nao nao. Ký ức của một đứa bé 5 tuổi sau 24 năm chỉ còn là những mảnh vụn.

Mảnh vụn đầu tiên là cảnh con bé con nửa đêm ngồi thu lu trên giường, tròn mắt nhìn bố mẹ lội bì bõm khuân đồ đạc chất vào một chiếc giường có chân cao nhất đã được cuộn chiếu chỉ còn trơ giát. Những ghế, những bàn đều trở thành vị trí mới của những thứ quan trọng nằm trên mặt đất. Lúc nó tỉnh dậy thì nước đã ngập vào nhà rồi. Nó không nhớ nước đã dâng lên thế nào, chắc là từng chút một. Rồi thì ông ngoại xuống cõng nó lên nhà trên (hồi ấy nhà nó nằm phía sau nhà ông bà ngoại và hàng ngày đi chung cửa với ông bà nên mọi người vẫn gọi nhà trên và nhà dưới). Lúc ông cõng qua cái sân tối đen như mực, nó chả nhìn thấy được gì nhưng nó biết hai ông cháu đã đi qua một cái cây vọng cách và một cái giếng. Cây vọng cách ấy có rất nhiều bọ ngựa. Thằng em con cậu bằng tuổi nó vẫn bắt bọ ngựa rồi lấy chỉ buộc vào cổ dắt đi chơi. Thỉnh thoảng nó bị thằng em dí bọ ngựa vào người dọa nhưng nó chả sợ. Nó cũng bắt một con buộc chỉ vào cổ và thách đấu với thằng em.

Nó không nhớ được là đã trải qua đêm lũ lụt ấy như thế nào, chắc là ngủ trên cái phản của ông bà đến sáng, vì trẻ con chả có việc gì làm sẽ chóng buồn ngủ. Sáng hôm sau, bố nó lên lại cõng nó xuống nhà. Lúc này thì bốn cái chân giường thấp đã được kê thêm mấy viên gạch nhưng nước cũng mấp mé giát giường. Quả thật là trẻ con dù ngoan mấy thì ngoan cũng không thể ngồi im quá lâu. Ông anh trai nó hiếu động hơn nó nhưng lại lớn hơn nên xin phép được bố mẹ cho lội nước để "phụ giúp" bố mẹ dọn dẹp. Dù còn rất bé, nó không thể hiểu rõ được tại sao anh mình lại có được đặc ân đó nhưng nó cũng cảm thấy thật không công bằng nếu anh được đi lại vầy nước bì bọp trong khi nó lại cứ phải ngồi bẹp ở trên giường. Bỗng nhiên nó phát hiện ra những cái ghế xếp ở cạnh giường. 5 tuổi thì chưa thể có nhiều sáng kiến lắm nhưng cũng sẽ được gọi là thông minh khi nghĩ được một giải pháp nhỏ cho việc vận động thay vì nhàm chán nhìn mọi người lội nước. Những cái ghế được xếp nối tiếp nhau, bắt đầu từ mép giường. Và nó di chuyển những cái ghế để có thể tiến ra phía cửa. Có lẽ 5 tuổi hơi bé để vật lộn với một chiếc ghế cao ngang người trong điều kiện sông nước như vậy. Cuối cùng thì anh nó cũng giúp nó chuyển từng cái ghế (anh nó vẫn luôn là người tốt bụng như thế) còn nó chỉ việc leo qua. Nhưng thật tiếc, khi khoảng cách chỉ còn chút ít nữa thôi là sẽ tới cửa đế nó có thể ngắm quang cảnh bên ngoài thì bố nó ở đâu xuất hiện. Ông nói mỗi một câu: "Chúng mày làm cái trò gì thế?" rồi bế thốc nó quay lại giường. Vậy là tan tành công cuộc tiến tới bầu trời tự do.

Một mảnh vụn nữa mà nó còn giữ lại được là bữa cơm trong ngày mưa lụt. Đơn giản và dễ hiểu: "rau muống và lạc rang". Ngày xưa, thậm chí tới tận bây giờ, đa số các nhà đều tích trữ lạc. Nó còn nhớ cái thùng đựng lạc là một thùng sắt tây vốn đựng bánh, sơn đỏ chót. Có lẽ là mẹ nó đã xin ở đâu về vì hồi bé nó không được ăn bánh hoặc là nó cũng không thích ăn bánh lắm nên nếu được ăn bánh từ cái thùng đó chắc nó sẽ phải nhớ. Còn rau muống ngày mưa thì ngoi lên ầm ầm ở cái hồ chuyên trồng rau gần nhà. Mảnh vụn này thì vẫn được nuôi dưỡng suốt 24 năm qua vì cứ thỉnh thoảng Hà Nội ngập úng thì nhà nó lại ăn cơm với rau muống với lạc rang, chả quên được. Không nói đâu xa, cách đây 2 ngày, nhà nó ăn cơm với lạc rang (húng lìu bà Vân mua ở Bà Triệu trước đó ít hôm :D) nhưng không có rau, kể cả rau muống. Giờ người ta lười lội nước vớt rau hơn ngày xưa, chứ mới ngập thế cũng chả thể nào úng được cái loại rau này. Rồi thì hôm sau ra chợ thấy người ta tranh cướp nhau rau muống 20k/mớ bằng cái nắm tay, chán chẳng buồn ăn, lại về ăn lạc rang với thịt bò. Mong rằng mai kia giá rau sẽ giảm dần không thì toàn ăn cơm với thịt lại béo ú lên mất.

Hy vọng 24 năm nữa mình sẽ không phải ngồi chắp ghép những mảnh vụn về những ngày mựa lụt như thế này nữa

No comments:

Post a Comment